top of page
Tìm kiếm

KIÊNG GÌ SAU KHI XĂM?


Sau khi xăm mình, thợ/họa sĩ/nghệ sĩ xăm sẽ yêu cầu bạn kiêng một số thứ. Vấn đề ở đây là mỗi người sẽ có một danh sách kiêng cữ dài ngắn khác nhau. Một số điều khá hiển nhiên như: Không chạm tay vào hình xăm; Không chọc, gãi, bóc vẩy; Không mặc quần áo bó sát; Không để thú cưng liếm, sờ vào..v.v.... Tuy nhiên, vẫn có một số điều hơi khó hiểu như phải kiêng nước, mặt trời, gà, bò, heo vịt .v.v.v.



Ở đây mình sẽ đề cập đến một số điều kiêng kỵ phổ biến và cố gắng giải thích lí do đằng sau nó. Bài viết dùng kinh nghiệm và vốn kiến thức cá nhân, có thể không đúng với một số người, chỉ dừng ở mục đích tham khảo ạ. Bài cũng hơi khô khan, do mình không phải chuyên gia hay bác sĩ nên có thể dùng từ ngữ không đúng, mong mọi người thông cảm.

  1. Kiêng ánh nắng mặt trời:

Đây là một yếu tố cần kiêng cữ mà tất cả mọi người đều đồng ý. Ánh nắng mặt trời vốn đã đem lại nhiều phiền toái cho một làn da lành lặn, thì với một hình xăm, nó là kẻ thù.


Hình xăm tồn tại lâu dài được trên da là nhờ kim xăm đưa mực xuyên qua lớp thượng bì, tiến vào lớp hạ bì và mực nằm lại ở đó. Tuy nhiên, cơ thể con người vẫn xem phần mực này là tác nhân lạ bên ngoài và luôn tìm cách đào thải nó đi bằng cách phá hủy cấu trúc mực xăm thành những hạt nhỏ hơn để bạch cầu từ từ loại bỏ chúng. Đây là lí do vì sao hình xăm mờ theo thời gian.


Ánh nắng mặt trời có thể đẩy nhanh quá trình này, do tia UV có khả năng xuyên qua lớp thượng bì của da, tấn công lớp hạ bì, gây tổn thương tế bào da và tiện thể phá hủy luôn các hạt mực ở đấy, khiến bạch cầu triệt tiêu các phần tử mực dễ dàng hơn. Do vậy hình xăm sẽ mờ đi nhanh hơn, nhất là với những hình xăm còn trong quá trình lành, chưa ổn định (14 ngày đầu).

Vì thế, phải mặc quần áo dài tay để che hình xăm, bất khả kháng có thể dùng kem chống nắng dành cho hình xăm (không dùng kem chống nắng thông thường lên hình xăm mới). Khi hình xăm lành lặn thì vẫn nên che chắn đầy đủ, dùng kem chống nắng khi ra đường để giữ hình xăm được rõ nét lâu hơn.


Không khuyến khích phơi nắng để phá hình xăm, vì ngoài việc khiến hình xăm bị mờ thì da cũng sẽ có nguy cơ lên nám, sạm, tàn nhang, lão hóa, cháy, .v.v.v.


2. Kiêng Nước:

Đây là một yếu tố chín người mười ý, có người quan điểm rằng xăm xong thì phải né nước như né tà, có người thì bảo tắm ok, miễn sao không đi biển,..vv.. .

Sau đây là quan điểm của riêng mình: Nước rất hữu dụng trong việc làm sạch hình xăm. Do vậy, mình không kiêng nước sau khi xăm, vẫn dùng nước để rửa khu vực xăm một cách cẩn thận.

Vậy, khi nào thì nước trở nên nguy hiểm cho hình xăm:

  • Nguồn nước bẩn, nhiều hóa chất: Nước hồ bơi, nước biển, nước ao hồ sông suối, nước rô bi nê. Những nguồn nước này mang rất nhiều clo, vi khuẩn và mầm bệnh. Hình xăm là vết thương hở, lại càng dễ dàng cho những vi khuẩn này xâm nhập và gây nhiễm trùng da.

Cách giải quyết: Không bơi trong hồ bơi công cộng, không tắm biển, tắm sông, tắm bờ, tắm bụi.

  • Tắm bồn và ngâm hình xăm trong nước tắm: Khi tắm bồn, nước và xà phòng sẽ làm chất bẩn trôi khỏi bề mặt da và lơ lửng trong nước, các chất bẩn này có thể bám lên da và đi ngược lại vào các vết thương hở (hình xăm mới), tăng nguy cơ nhiễm trùng, mưng mủ.

Cách giải quyết: Chuyển qua tắm bằng vòi sen.

  • Đi xông hơi, tắm lâu, dùng lực nước từ vòi sen để rửa, dùng lực chà xát hình xăm khi tắm: Hình xăm mới rất nhạy cảm, vì vậy tắm quá lâu làm chỗ xăm bị ngấm nước. Độ ẩm tăng cao đột ngột, kéo dài có thể gây sưng, đỏ, ngứa ngáy. Dùng lực mạnh sẽ gây kích ứng lên vùng da yếu ớt, nguy cơ tróc vảy cao.

Cách giải quyết: Không xông hơi, xông khô. Không đi matxa. Tắm nhanh, thao tác gọn gàng. Nên dùng tay/gáo múc để đổ nước nhẹ nhàng lên hình xăm. Lấy tay vỗ về, vuốt nhẹ bề mặt da để làm sạch hình xăm

  • Dùng nước nóng/lạnh khi tắm: Có thể khi bình thường, dùng nước nóng/lạnh xả stress rất tốt, nhưng đối với hình xăm, nước nóng/lạnh có thể gây bỏng, rát do làn da của ta đang yếu.

Cách giải quyết: Dùng nước ấm để tắm rửa.

  • Không thấm khô hình xăm sau khi tắm: Độ ẩm thừa của nước đọng lại trên da vẫn có thể gây sưng đỏ, thậm chí nổi mụn trắng trên hình xăm.

Cách giải quyết: Dùng khăn sạch để thấm khô sau khi tắm, để hình xăm được thoáng mát, khô ráo trước khi bôi bất kì cái gì lên.


Hiện tại, phương pháp “Hồi phục khô” (Dry Healing) không đụng nước cũng đang được ưa chuộng, bạn có thể tìm hiểu về phương pháp này (hoặc đợi ai đó viết bài) nếu bạn lăng tăng về nước, hoặc bạn mẫn cảm với nước.


3. Kiêng Xà Phòng:

Theo mình, xà phòng rất hữu dụng trong việc làm sạch bề mặt xăm khỏi bụi bẩn, tạp chất bám trên người. Nhưng xà phòng, sữa tắm thông dụng là thứ cần tránh vì chúng có độ pH cao, có chất tạo mùi đậm đặc, có chất sát trùng, diệt khuẩn mạnh. Vì vậy, chúng không phù hợp với làn da mới xăm.


Ngoài thị trường bây giờ đã có rất nhiều xà phòng dùng riêng cho ngành xăm, chúng thường không có chất kiềm mạnh, không hóa chất tạo mùi, không có các hoạt chất tẩy rửa mạnh, do vậy rất an toàn cho da. Nếu ngại các sản phẩm chuyên dụng vì giá thành thì có thể tìm mua các loại sữa tắm/sữa rửa mặt có nhãn Soap-free, Fragance free,Non-comedogenic, Dành cho da nhạy cảm. Những dòng sữa tắm này có thể mua tại các nhà thuốc và cửa hàng chuyên đồ skincare.


Nhớ là bôi cái gì lên da xăm thì vẫn nên test trên da lành trước khi sử dụng cho an toàn.


4. Kiêng thực phẩm các loại (Gà/Cá/Bò/Dê/Rau/Nếp/Rượu/Trứng/….vvv) để tránh sẹo lồi/mủ/ngứa.

Đây là chủ đề kiêng cữ gây nhiều tranh cãi nhất, có người thì kiêng tuyệt đối những món ăn trên, người thì bảo kiêng ăn là không cần thiết, ăn tất không sợ gì hết. Ở các diễn đàn phương Tây thì lời khuyên thường gặp lại không liệt kê chi tiết từng món ăn như vậy, mà chỉ đại khái là “tránh các thức ăn dầu mỡ, nhiều đường, thức ăn nhanh công nghiệp; Ăn một chế độ thức ăn tốt cho sức khỏe”.


Khi tìm hiểu vì sao những loại thức ăn trên lại gây sẹo, mình chỉ tìm được những lời khuyên chung chung dạng “bác sĩ bảo vậy”, “Vì món x có nhiều chất gây thâm/loãng/mưng mủ vết thương”, nhưng không có bài viết nào giải thích cơ chế gây sẹo, cũng như những chất đó là chất gì, tác động lên cơ thể ra sao. Vì vậy, mình chỉ có thể đưa ra giả thuyết:

  • Những kiến thức đó là dân gian truyền miệng đã tồn tại rất lâu, dựa trên kinh nghiệm đúc kết qua các đời và theo quan điểm hàn/nóng của y học cổ truyền, từ từ trở thành kiến thức hiển nhiên mặc dù không có xác minh khoa học.

  • Những món như rau muống, gạo nếp, xôi,..vv không thông dụng ở các nước Âu Mỹ nên cũng không có ai nhắc đến các món đó trong danh sách kiêng cữ.

Những gì mình có thể nói về chủ đề này là:

  1. Mỗi người có cơ địa riêng và chỉ có bản thân ta hiểu ta nhất. Nếu ta có tiền sử bị ngứa, lên sẹo lồi, bị thâm sau khi ăn món X, tất nhiên sau khi xăm xong thì ta sẽ phải tránh món đó (Mình có người bạn ăn được mắm tép nhưng nếu ăn mắm tép lúc bị thương thì lại ngứa và nổi mụn quanh vết thương). Nếu ta không bị dị ứng món Y, nhưng mỗi khi ăn vào vẫn có biểu hiện kích ứng nhẹ (da hơi đỏ, ngứa, ho, sình bụng, đau ngực, mọc mụn,..v.v), thì khi chăm sóc hình xăm, ta nên tránh món đó. Nếu ta có làn da "độc", sẹo lâu lành, vết thương dễ đỏ tấy, thì càng phải cẩn thận và chú ý trong việc sinh hoạt và ăn uống.

  2. Hải sản là một món rất dễ gây dị ứng, nhất là khi ăn nhiều. Một số người bình thường thì không có biểu hiện gì, nhưng khi cơ thể yếu đi một chút thì bắt đầu có triệu chứng phản ứng. Vì vậy để cho an toàn, nhiều nghệ sĩ xăm mình sẽ khuyên khách hàng của mình tránh hải sản.

  3. Bia, rượu, đồ uống có cồn sẽ gây loãng máu, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi oxy trong cơ thể. Cơ thể lại cần đủ oxy để hoạt động tốt, qua đó phục hồi hình xăm nhanh chóng. Vì vậy, việc kiêng cử đồ có cồn và các loại thực phẩm gây loãng máu khác, trước và sau khi xăm là việc nên làm, ít nhất là đến khi hình xăm lên mài.

  4. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ phục hồi vết thương nhanh chóng hơn. Vì vậy, sau khi xăm mình, nên bắt đầu một chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh, carb tốt, hạn chế những món ăn không tốt cho sức khỏe như đồ ăn nhanh, dầu mỡ, đồ ăn vặt đóng gói, bánh kẹo ngọt.

  5. Giữ sức khỏe qua chế độ ăn uống, tránh tập gym cho đến khi hình xăm đã lành hẳn. Vận động mạnh sẽ làm da bị co dãn, đổ mồ hôi, khiến hình xăm cọ xát với quần áo, v…vv

  6. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Nếu bạn không chắc chắn cơ thể sẽ phản ứng như thế nào đối với một món ăn mà ông bà ta thường dạy phải tránh (rau muống, nếp, hải sản, thịt bò), thì kiêng ăn những món đó để yên tâm cũng tốt, nhưng nếu bạn ~lỡ~ ăn phải thì cũng đừng căng thẳng quá nhiều.

  7. Nghe lời nghệ sĩ xăm mình, nhưng nhớ là họ không thể nào biết hết lịch sử dị ứng của bạn, vì vậy bạn cũng phải chủ động trong việc lựa chọn những điều cần kiêng cữ.

Cám ơn đã đọc bài viết của mình ạ.


Bài viết đc Tattoonista tổng hợp từ bạn Nguyễn Chén member của group "Hôm Nay Bạn Xăm ì" các bạn có thể xem bài viết gốc và thảo luận tại đây https://www.facebook.com/groups/507695327232178/permalink/564459364889107



2.027 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page